16.11.2020
HỘI CHỢ ĐẦU TIÊN CHO NGƯỜI TỰ KỶ Ở HÀ NỘI
Hội chợ vừa diễn ra chiều ngày 15/11 tại Nhà Văn hóa quận Đống Đa, Hà Nội. Đây là hoạt động do Câu lạc bộ Gia đình người tự kỷ TP Hà Nội – thành viên thuộc Hội Người Khuyết tật Hà Nội và Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam, tổ chức.
Những đồ dùng bày bán được mang đến từ 13 trung tâm đào tạo, dạy nghề, hướng nghiệp cho trẻ tự kỷ thuộc Câu lạc bộ Gia đình người tự kỷ Hà Nội. Người tự kỷ theo học nghề tại các trung tâm có độ tuổi từ 12 đến 24 tuổi, tham gia sản xuất các sản phẩm đồ thủ công handmade, bánh, hoa quả sấy, rau củ quả sơ chế…
Đặc biệt, một số đơn vị xây dựng được mô hình khép kín, từ sản xuất sản phẩm hoa quả sấy khô, đến đào tạo, dạy người tự kỷ pha trà, café, trà detox…, phục vụ trực tiếp tại quán trà thử nghiệm.
Bà Nguyễn Tuyết Hạnh, Chủ tịch CLB Gia đình người tự kỷ TP Hà Nội cho biết, thông qua hội chợ, các ông bố, bà mẹ gửi đi thông điệp: người tự kỷ hoàn toàn có thể học nghề phù hợp với khả năng của mình, sản phẩm họ làm ra vẫn có giá trị. Bên cạnh đó, Câu lạc bộ mong muốn các cấp chính quyền quan tâm hơn đến vấn đề đào tạo, hướng nghiệp, cơ hội việc làm của trẻ tự kỷ.
Bà Hạnh cho biết, các trung tâm dạy nghề nói trên đều mang tính tự phát, do gia đình có con tự kỷ tự mày mò, phối hợp với các thầy cô để hướng nghiệp cho các con. Dù đây là cố gắng rất lớn của phụ huynh, tuy nhiên mô hình trên rất khó bền vững.
‘Câu lạc bộ thành lập tới nay đã hơn 18 năm, những đứa trẻ ngày ấy mới vài tuổi hiện đều đã 20, trong đó đa số trẻ tự kỷ từ 14 tuổi trở lên không thể tiếp tục theo học cấp 3. Điều chúng tôi lo lắng nhất là con sẽ ra sao khi cha mẹ ngày càng già đi. Chúng tôi rất hy vọng các cấp chính quyền sẽ có sự hỗ trợ phù hợp, mang tính tổng thể, toàn diện, bền vững hơn về việc làm cho người tự kỷ’, bà Hạnh bày tỏ.
Câu lạc bộ Gia đình Người tự kỷ thành phố Hà Nội được thành lập vào tháng 10-2002, do nhu cầu của các gia đình có con tự kỷ tại Hà Nội và các tỉnh lân cận, dưới sự trợ giúp về chuyên môn của Khoa Giáo dục đặc biệt, thuộc trường Sư Phạm, Đại học Quốc gia Hà Nội. Đến nay, CLB có gần 1000 người tự kỷ và gia đình cùng tham gia sinh hoạt.
Các hoạt động chính của Câu lạc bộ là tập huấn, chia sẻ kiến thức để nâng cao năng lực phụ huynh có con tự kỷ và năng lực người tự kỷ. Đồng thời, tổ chức các sự kiện thể thao, vui chơi cho cộng đồng người tự kỷ; truyền thông thay đổi nhận thức cộng đồng về tự kỷ tại Hà Nội.
(Nguồn: Vietnamnet)